Với quy mô nuôi lớn bậc nhất Đồng bằng Sông Cửu Long, con cá bông lau đang mang lại cho anh nông dân Nguyễn Tâm Đăng (Tiền Giang) hiệu quả kinh tế gấp 4-5 lần so với cá tra.
Đầu năm 2007, nhân dịp muốn thết đãi mấy người bạn từ xa đến chơi mấy chú cá bông lau, đặc sản địa phương mà khó tìm mua, anh Nguyễn Tâm Đăng ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) nảy ra ý tưởng nuôi cá.
Suy nghĩ đó thôi thúc khiến anh bỏ học ngành cơ khí Trường ĐH Bách khoa TP.HCM về quê tìm tài liệu đọc nghiên cứu con giống, xây dựng mô hình nuôi cá bông lau. Từ một học viên cơ khí, anh chuyển hẳn sang nuôi thủy sản quả là điều quá khó. Nhưng với quyết tâm, cộng với tính chịu học hỏi qua sách báo nên trong thời gian ngắn anh có được vốn kiến thức về nuôi các loài cá da trơn như cá bông lau, cá dứa, cá tra bần…
Anh Đăng đã thành công sau nhiều lần thả nuôi thất bại.
Năm 2009, anh Đăng thuê 5 ha mặt nước của những hộ nuôi tôm bị thất bại ở xã Phú Tân để mua cá giống bông lau về nuôi. Anh mượn vốn từ người thân trong gia đình 400 triệu đồng mua 25.000 con giống của một doanh nghiệp ở huyện Cần Giờ (TP.HCM) về thả nuôi. Kết quả cá hao hụt quá cao, anh thất bại. Nhiều người trong xóm cho rằng, anh “điên” vì hồi nào tới giờ loài cá bông lau chưa có ai nuôi sống được mà dám thả nuôi.
Anh Đăng tâm sự: “Vì hiểu biết còn hạn chế nên lần đầu mua giống, tôi bị lừa mua nhầm giống cá, nên nuôi không đạt. Thất bại nhưng không nản, tới mùa sau tôi dò hỏi theo ghe đánh bắt cá ngoài cửa sông với mong muốn tìm nguồn cá giống bông lau tự nhiên. Dù đã làm mọi cách nhưng cá đưa lên khỏi sông chưa bao lâu thì chết hàng loạt. Số còn lại tôi đem về, chăm sóc với chế độ “đặc biệt” trong ao đất. Vậy mà vẫn không sống được”.
Sau hai lần thất bại, anh Đăng không chịu thua cuộc, vẫn kiên trì tìm tòi học hỏi. Anh xin tham dự các cuộc hội thảo chuyên đề về cách nuôi loài cá da trơn ở trong và ngoài tỉnh để nắm bắt thêm kiến thức. “Bí quyết” anh đã hiểu ra, vì loại cá da trơn có nhớt, khi thay đổi môi trường đột ngột chúng sẽ chết, nên cần xử lý nước và cho cá thích nghi dần.
Anh Đăng chia sẻ, mùa sinh sản cá giống bông lau xuất hiện nhiều vào tháng 11 năm trước đến sang tháng 3 năm sau. Vào mùa này, những loài cá da trơn được ngư dân đánh bắt rất nhiều, loại bằng ngón tay cái hoặc con lớn hơn bán với giá rất rẻ, chỉ vài chục ngàn đ/kg. Cái khó là làm sao con giống ngoài tự nhiên bắt được, giữ cho nó sống và nuôi dưỡng thành cá thương phẩm bằng những nguồn thức ăn hiện có trên thị trường.
Có hiểu biết để nhận diện chính xác cá bông lau và tích lũy vốn kinh nghiệm nuôi cá sau bao phen thất bại, anh quyết tâm thử một lần nữa, bỏ ra số tiền khá lớn thu mua cá con của các ngư dân đánh bắt trong thiên nhiên.
Trong lần nuôi này, anh thành công, tỷ lệ cá chết giảm đáng kể. Và từ đó anh bắt đầu tìm thị trường bán cá bông lau giống, cá tra bần cho các doanh nghiệp ở An Giang và Đồng Tháp. Lấy ngắn nuôi dài, nhiều năm anh xoay vòng vốn bán cá giống và đầu tư cho vùng chuyên nuôi cá bông lau.
Năm 2010, anh Đăng thuê gần 10 ha đất ở huyện Tân Phú Đông thả nuôi thử nghiệm khoảng 23.000 con. Sau nhiều lần thay đổi thức ăn viên cho cá, anh đã thành công trong việc thuần dưỡng, nhân nuôi trong ao đất có nguồn nước tĩnh theo hình thức bán hoang dã. Sau 12 tháng nuôi anh thu hoạch được khoảng 20 tấn cá thương phẩm.
Trên đà thắng lợi, anh Đăng tiếp tục thả nuôi hơn 31.000 con giống cũng từ nguồn cá giống khai thác tự nhiên. Hiện nay cá nuôi đạt trọng lượng bình quân từ 900 gr đến 1 kg/con. Ao nuôi có thể đem về doanh thu cả trăm triệu đồng cho anh. Ngoài ra anh cũng chuẩn bị khoảng 500.000 con giống để đủ cung ứng theo các đơn đặt hàng trong năm nay.
Với kinh nghiệm tích lũy được, anh Đăng cho biết: “Cá bông lau và cá dứa khó có thể phân biệt được nhau ở giai đoạn cá giống, tuy nhiên cách nhận dạng chung là hai loài cá này có sống lưng ánh lên màu xanh nhạt, đuôi vàng, viền đuôi hơi tím; trong khi đó cá tra bần có lưng, vây, đuôi đều màu vàng”.
Từ các đặc điểm trên, anh phân tích: “Cá tra bần chiếm khoảng 10% nguồn cá giống đánh bắt từ tự nhiên. Loại này dễ thuần dưỡng hơn cá bông lau, cá dứa”.
Mô hình nuôi của anh chỉ phải lo 50% nguồn thức ăn, phần còn lại cá tự tìm rong rêu hay cỏ cây để ăn, nên cá đạt tỷ lệ sống 90%. Hiện tại trong khu vực ao nuôi anh cho trồng cỏ xung quanh, vừa tạo bóng mát vừa làm nguồn thức ăn thiên nhiên cho cá. Mật độ thả nuôi để cá có tỷ lệ sống cao, bình quân thả 2 con/m3 nước.
Anh lý giải, vì đây là loại cá sống ngoài thiên nhiên thích nơi dòng chảy nước sâu nên cần oxy, khi đem vào ao nuôi trong môi trường nước tĩnh phải thả thưa, cá mới đủ oxy phát triển tốt. Cá nuôi trong vòng 12 -15 tháng đạt trọng lượng 1 – 1,1 kg/con, còn nuôi theo hình thức công nghiệp chủ động nguồn thức ăn hoàn toàn trong vòng 10 – 11 tháng cá đạt trọng lượng từ 1,2 – 1,5 kg/con.
Anh cho biết thêm, kế hoạch anh sẽ thu hoạch lượng cá bông lau trong ao vào đầu tháng 5 tới đây, dự kiến khoảng 25 tấn cá thương phẩm bán với giá từ 120.000 – 130.000 đ/kg, còn vào tháng 6 đến tháng 12 cá bông lau có giá từ 160.000 – 180.000 đ/kg. Có thể nói vụ cá bông lau năm nay hy vọng sẽ mang lại lợi nhuận cao cho anh.
Dù đang nuôi cá bông lau từ ngoài sông về nuôi trong ao, nhưng anh Đăng muốn loại cá này có chất lượng thịt gần giống cá trong tự nhiên. Thịt cá trắng, thơm ngon và ít mỡ. Để đạt được điều đó, mô hình nuôi tối thiểu, theo anh phải là bán thiên nhiên trên diện tích rộng. Nguồn nước cần thay đổi thường xuyên và quan trọng nhất là trong quá trình nuôi không được sử dụng thuốc và chất hóa học.
Source : thegioinet[dot]net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét